Chiều 13-12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị đối thoại của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
“Luật” ở địa phương khác trung ương?
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Karashima, nêu kiến nghị: Để tránh việc người lao động nước ngoài buộc phải đóng tiền bảo hiểm 2 lần (cả nước của họ và Việt Nam), đề nghị áp dụng cơ chế loại trừ đối tượng đã đóng bảo hiểm bắt buộc tại Nhật trước khi được doanh nghiệp biệt phái sang Việt Nam.
“Phần lớn lao động Nhật làm việc tại Việt Nam là theo diện biệt phái của các doanh nghiệp Nhật, nhưng theo quy định của Việt Nam thì vẫn phải ký hợp đồng lao động và luật Việt Nam quy định phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Quy định như vậy sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, hạn chế các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật cử các chuyên gia sang Việt Nam” – ông Hiroshi phân tích.
Được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mời trả lời, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) Trần Hải Nam giải đáp: Theo quy định, từ 1-1-2018, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hợp đồng lao động thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Quy định buộc người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là đảm bảo quyền lợi của người lao động, điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, như luật của Nhật Bản cũng buộc người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Dịch chuyển nội bộ không nộp bảo hiểm xã hội!
“Sau khi tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp, dự thảo nghị định đang được điều chỉnh theo hướng thu hẹp lại đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đó chỉ những lao động có phát sinh hợp đồng lao động mới phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, điều này sẽ tránh đóng bảo hiểm xã hội song trùng do nhóm này không áp dụng với người lao động di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp” – ông Nam cho biết.
Chưa thông, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản nói lại: “Bộ Lao động, thương binh và xã hội hướng dẫn như vậy, nhưng một số địa phương tại Việt Nam (ví dụ như tỉnh Đồng Nai) lại yêu cầu doanh nghiệp phải ký hợp đồng lao động thì mới được cấp giấy phép lao động, mặc dù đó là lao động di chuyển nội bộ, như vậy họ vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”.
Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio cho rằng chính tình trạng thiếu thống nhất hoặc có cách hiểu khác nhau giữa pháp luật, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương với việc thực hiện của các địa phương đã ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài vào thể chế của Việt Nam. Ông khẳng định sẽ sớm báo cáo Chính phủ Nhật thúc đẩy đàm phán hiệp định về bảo hiểm xã hội với Việt Nam.
Gút lại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu bộ phận soạn thảo nghị định dự thảo nghị định phải thể hiện rất rõ, đối với trường hợp lao động dịch chuyển nội bộ, không phát sinh hợp đồng lao động tại Việt Nam thì không phải nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Buộc nuôi cá trong hồ chỉ thị sinh học là cứng nhắc?
Các doanh nghiệp Nhật còn nêu một số quy định hoặc dự thảo quy định của Việt Nam có nội dung cứng nhắc, có thể gây khó khăn hoặc làm tăng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Ví dụ, dự thảo nghị định liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường, yêu cầu doanh nghiệp phải lưu giữ nước thải phát sinh bất thường trong vòng 72 giờ là không hợp lý, bởi vì nhiều doanh nghiệp Nhật áp dụng các biện pháp khác có hiệu quả trong việc đảm bảo xử lý hệ thống nước thải trước khi thải ra môi trường.
Dự thảo quy định về chỉ thị sinh học buộc doanh nghiệp phải nuôi cá trong bể nước thải. Đại diện doanh nghiệp Nhật cũng bày tỏ rằng: “Như vậy có cứng nhắc không, xin hỏi đây là quy định chung cho tất cả các loại ngành, nghề hay quy định cụ thể trong một số lĩnh vực?”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính rất cầu thị, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng. Những gì bất hợp lý sẽ được tiếp thu, báo cáo Thủ tướng và các cơ quan có trách nhiệm kịp thời xử lý.
Nguồn:https://tuoitre.vn